VIREX – CÔNG TY CỔ PHẦN VIREX

Từ sân bay Cốc Lếu đến Cảng hàng không Sa Pa

LCĐT – Cách đây vừa tròn 100 năm, năm 1921, chính quyền Pháp đô hộ đã cho xây dựng Sân bay Cốc Lếu có vị trí tại thành phố Lào Cai hiện nay phục vụ mục đích quân sự và áp đặt chế độ thực dân cai trị. Đến nay, trước yêu cầu phát triển, tỉnh Lào Cai đã trình Chính phủ chủ trương đầu tư Dự án Cảng Hàng không Sa Pa với vị trí xây dựng tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu vùng Trung du, miền núi phía Bắc.

Mô hình Cảng hàng không Sa Pa.

Từ Sân bay Cốc Lếu…

Theo Lịch sử Đảng bộ thành phố Lào Cai do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật ấn hành năm 2020 thì cách đây tròn 100 năm, năm 1921, chính quyền thực dân Pháp đã bắt hàng nghìn người dân trong tỉnh đi lao công, xây dựng Sân bay Cốc Lếu. “Trên công trường xây dựng sân bay, người dân phải chịu cảnh lao động nặng nhọc ngoài trời với thời gian 10 đến 12 giờ mỗi ngày”.

Việc xây dựng Sân bay Cốc Lếu, ngoài phục vụ mục đích quân sự, chính quyền thực dân còn dùng để vận chuyển nguồn tài nguyên khai thác, bóc lột được và chuyển nha phiến từ Lào Cai về xuôi. Trong các trận đánh của quân ta liên quan đến Sân bay Cốc Lếu phải kể đến sự kiện ngày 17/1/1949, một biệt đội công an của ta đã đột nhập vào sân bay, tiêu diệt tên Lý Phúc và Phó lý  San, 2 kẻ làm mật thám, tay sai cho địch, cùng là những kẻ khét tiếng về sự tàn ác khi tra tấn các chiến sỹ cách mạng. Sau Chiến lịch Lê Hồng Phong (màn I, năm 1949 – 1950), địch tăng cường lực lượng tại khu vực thành phố Lào Cai, “giữa tháng 3/1950, chúng xây dựng ở khu Sân bay Cốc Lếu 6 lô cốt để đối phó với ta”. Tháng 9/1950, quân ta mở Chiến dịch Lê Hồng Phong màn II, “đến ngày 28/10/1950, Trung đoàn 165 chiếm được Trại Mới và bố trí 2 khẩu đại bác ở Đề-pô xe lửa bắn vào Sân bay Cốc Lếu làm cháy và hỏng 2 máy bay, tiếp đó còn uy hiếp mạnh khu vực sân bay”. Hòa bình lập lại, Sân bay Cốc Lếu không còn được sử dụng và nhắc tới nhiều, cho dù sau đó, theo các tài liệu lịch sử thì sân bay này vẫn có lần được sử dụng vào mục đích dân dụng, những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, ít nhất 2 lần lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới thăm và làm việc với tỉnh Lào Cai đã sử dụng Sân bay Cốc Lếu để hạ, cất cánh máy bay chuyên dụng.

Sân bay Cốc Lếu ở vị trí nào của thành phố Lào Cai hiện nay? Theo ông Đặng Văn Lương, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải – Xây dựng, các tài liệu lịch sử của ngành giao thông tỉnh có ghi Sân bay Cốc Lếu cách vị trí cầu Cốc Lếu 1,5 km về phía hạ lưu, bên bờ hữu ngạn sông Hồng. Theo các cụ cao niên tại thành phố Lào Cai và tài liệu ngành xây dựng thì trung tâm Sân bay Cốc Lếu xưa có vị trí hiện nay là Nhà văn hóa Ngô Quyền, phường Kim Tân, sân bay kéo dài tới khu vực Nhà máy gạch tuy-nen cũ. Như vậy, đối chiếu với tài liệu chuyên ngành giao thông thì vị trí là tương ứng và trùng khớp. Mới đây, khi xây dựng kè sông Hồng và các công trình có liên quan tại điểm này, người ta vẫn phát hiện ra những khối bê tông lớn được đúc từ thời Pháp thuộc, là di chỉ đường băng Sân bay Cốc Lếu xưa kia.

Các nhà nghiên cứu lịch sử như ông Nguyễn Văn Vãn, ông Nguyễn Xuân Mẫn, ông Đỗ Văn Lược (thành phố Lào Cai) cho biết, ngoài Sân bay Cốc Lếu, thực dân Pháp còn bố trí xây dựng các sân bay tại Bát Xát, Sa Pa, Bảo Yên, Bắc Hà và Bảo Thắng. Tuy nhiên, đây là công trình xây dựng đơn giản, sơ sài, chỉ là bãi đất được san gạt bằng phẳng, đầm lèn, đủ để các máy bay quân sự hạng nhẹ đương thời cất, hạ cánh. Đến nay, những di chỉ đó cũng không còn rõ ràng, ví như sân bay ở xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà từ lâu đã trở thành các tràn ruộng phục vụ sản xuất nông nghiệp và một phần trồng hoa, phát triển du lịch.

… đến Cảng Hàng không Sa Pa

Trong văn bản mới đây của UBND tỉnh Lào Cai trình Chính phủ có nêu rõ, Cảng Hàng không Sa Pa được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết với quy mô công suất hành khách đến giai đoạn năm 2030 đạt 1,585 triệu lượt hành khách/năm. Ngày 23/2/2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Cảng Hàng không Sa Pa đến năm 2030 đạt công suất 3 triệu hành khách/năm.

Ông Đặng Văn Lương, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải – Xây dựng cho rằng, đối với Lào Cai, việc đầu tư xây dựng cảng hàng không là hết sức cấp thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trên thực tế. Cụ thể là tại Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định mục tiêu xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kinh tế của vùng và cả nước về công nghiệp khai thác, chế biến sâu các loại khoáng sản. Tỉnh Lào Cai cũng có vị trí cầu nối, đặc biệt quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh (Việt Nam) với thế mạnh phát triển thương mại, dịch vụ cửa khẩu, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, là tỉnh có các khu, điểm du lịch lớn của Việt Nam và mang tầm quốc tế. Năm 2019, Lào Cai đón 5,1 triệu lượt khách du lịch, năm 2020 do ảnh hưởng dịch bệnh nên lượng khách giảm, dự kiến đến năm 2025 con số này tăng lên 10 triệu lượt. Bên cạnh đó, Lào Cai đang là điểm trung chuyển, đầu mối của nhiều tua, tuyến du lịch trong nước và quốc tế, phần đông du khách có nhu cầu sử dụng phương tiện vận tải hàng không từ Lào Cai để giảm tối đa thời gian di chuyển.

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm qua, Lào Cai đã thu hút nhiều nguồn lực, các doanh nghiệp lớn tới khảo sát, nghiên cứu, đầu tư như xây dựng các dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp, hệ thống cáp treo, đầu tư dự án tại khu hợp tác qua biên giới, dự án sản xuất tại các khu công nghiệp, khu công nghiệp – thương mại, khu đô thị của tỉnh. Tỉnh vùng cao, biên giới Lào Cai có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng và an ninh nên việc đầu tư cảng hàng không lưỡng dụng càng trở nên cần thiết và cấp bách nhằm đảm bảo tính cơ động cao trong phòng thủ và công tác cứu hộ, cứu nạn.

Dự án Cảng Hàng không Sa Pa khi hoàn thành cả 2 giai đoạn có tổng diện tích 371 ha, đạt cấp độ 4C (theo tiêu chí của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO), đủ điều kiện cho máy bay dân dụng cỡ lớn như A320, A321 hạ, cất cánh; khi hoàn thiện, cảng hàng không có đủ năng lực đón 3 triệu lượt khách/năm. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 6.948 tỷ đồng gồm vốn ngân sách nhà nước và vốn huy động từ các nhà đầu tư chiến lược; hình thức đầu tư hỗn hợp, bao gồm đầu tư công, đầu tư đối tác công – tư (PPP) và đầu tư BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).

Năm 2014, cao tốc Nội Bài – Lào Cai hoàn thành giai đoạn I, ngay sau khi đưa vào khai thác, vận hành đã thổi luồng sinh khí mới cho tỉnh Lào Cai, trong đó một số ngành kinh tế như du lịch, dịch vụ, thương mại, thu hút đầu tư phát triển vượt bậc. Giao thông luôn là huyết mạch của nền kinh tế – xã hội, hàng nghìn trái tim Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đang hướng về xã Cam Cọn với niềm mong chờ ngày khởi công Dự án Cảng Hàng không Sa Pa. Dự án sẽ tiếp sức mạnh, chắp thêm cánh cho tỉnh Lào Cai tiếp tục bay cao, xa trên những tầng bậc mới.

Theo Báo Lào Cai

Bài viết liên quan

GIÁNG SINH VÀ NĂM MỚI SẮP ĐẾN, “SÁNG” CÙNG NGƯỜI VIREX
Loạt quy định mới về sổ đỏ có hiệu lực từ 2023, mua bán nhà đất cần nắm chắc trong tay
Tòa T4 nhà ở xã hội Golden City An Giang cất nóc
Nhà ở xã hội Golden City An Giang ký kết hợp đồng mua bán căn hộ với khách hàng
An Giang sôi động với loạt căn hộ tòa T3, T4 NOXH Golden City An Giang mở bán đợt 2

GIÁNG SINH VÀ NĂM MỚI SẮP ĐẾN, “SÁNG” CÙNG NGƯỜI VIREX

Loạt quy định mới về sổ đỏ có hiệu lực từ 2023, mua bán nhà đất cần nắm chắc trong tay

Tòa T4 nhà ở xã hội Golden City An Giang cất nóc

Nhà ở xã hội Golden City An Giang ký kết hợp đồng mua bán căn hộ với khách hàng

An Giang sôi động với loạt căn hộ tòa T3, T4 NOXH Golden City An Giang mở bán đợt 2

6 cách phổ biến để giảm thiểu rủi ro khi đầu tư bất động sản